Thông báo

Những lợi ích của việc ăn giảm mặn mà bạn không ngờ tới!

Giảm ăn mặn sẽ giúp chúng ta giảm hàng loạt nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm như tăng huyết áp, tim mạch, đột quỵ, suy thận, loãng xương… đặc biệt với những người đang mắc bệnh thì giảm mặn là chế độ ăn cần thiết.

Những nguồn muối đi vào cơ thể, có thể bạn chưa biết!

Bệnh lý tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh tim mạch với 2/3 các ca đột quỵ. Trong khi đó, ăn mặn là trong những nguyên nhân gây tăng huyết áp.

PGS-TS-BS Lê Bạch Mai – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho hay, trong quá trình khám tư vấn dinh dưỡng, bà đã gặp rất nhiều bệnh nhân khi tới khám không biết lượng muối mình ăn đến từ đâu. Thậm chí, có người còn thốt lên: “Tôi có ăn mặn đâu mà bác sĩ khuyến cáo ăn giảm mặn”. Tuy nhiên, khi được bác sĩ phân tích, bệnh nhân mới giật mình vì thấy mình đang ăn quá mặn.

 

“Trong tất cả các nguồn muối đưa vào cơ thể nói trên, cần lưu ý nhất là lượng muối nêm thêm vào thức ăn khi nấu. Lượng muối này chiếm tới 70% tổng số lượng muối mà mỗi người tiêu thụ trong ngày”, PGS-TS Bạch Mai cho biết

PGS-TS Bạch Mai phân tích, người Việt đưa muối vào cơ thể thông qua 3 nguồn chính: thứ nhất là nguồn muối được cho vào trong thức ăn thông qua tẩm ướp, nêm nếm…; thứ 2 là nguồn gia vị chấm do mâm cơm của người Việt luôn có sẵn bát nước mắm, xì dầu hoặc đĩa bột canh…; thứ 3, trong thực phẩm cũng có sẵn lượng muối. Lượng muối trong thực phẩm có nguồn gốc từ biển thường cao hơn so với thực phẩm được nuôi trồng trên cạn, và các thực phẩm chế biến sẵn thường chứa nhiều muối hơn các thực phẩm tươi.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ 5g muối/ngày. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của Bộ Y tế cho thấy: người Việt tiêu thụ đến 9,4g muối/ngày – tức là gần gấp đôi lượng muối khuyến nghị. Đây là con số đáng báo động và cần có sự thay đổi để bảo vệ sức khỏe, phòng tránh những bệnh lý gây ra do ăn mặn kéo dài.

Giảm mặn để giảm gánh nặng bệnh tật cũng như giữ gìn sức khỏe cho tương lai

PGS.TS Bạch Mai cho biết, người Việt nên thực hành chế độ ăn giảm mặn (ăn hạn chế muối) ngay từ khi còn trẻ để phòng tránh nguy cơ tăng huyết áp và một số bệnh không lây nhiễm, hoặc giảm nhẹ biến chứng của bệnh. Ăn mặn sẽ làm dư thừa muối, gây tăng tính thấm và tăng trương lực thành mạch máu, gây ứ nước trong tế bào, tăng sức cản ngoại vi, kết quả là làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp, tai biến mạch máu não (đột quỵ) và nhiều bệnh mạn tính không lây khác.

Nguồn: thanhnien.vn

TIN LIÊN QUAN